Hải Trung – Mảnh đất cội nguồn của
huyện Hải Hậu ngày nay, đã có lịch sử hơn 5 thế kỷ.
Phía Bắc giáp sông Ninh Cơ, phía Đông
giáp xã Xuân Ninh huyện Xuân Trường, phía Đông Nam giáp xã Hải Bắc, phía Tây Bắc
giáp với cánh đồng Quần Cường xã Cát Thành huyện Trực Ninh, phía Tây và phía
Tây Nam giáp xã Hải Anh, phía Nam giáp xã Hải Long, phân địa giới bởi đường
Quốc Lộ 37B.
Diện tích tự nhiên 715,97 ha. Dân số
hiện nay 13.237 người thuộc 26 dòng họ hợp thành trong đó đồng bào theo đạo
công giáo 24% được phân bổ ở 19 xóm. Mật độ trung bình: 1.840 người/km2 .
Lịch sử hình thành và phát triển mảnh
đất, con người Hải Trung là quá trình lao động cần cù, sáng tạo để khẩn hoang,
lấn biển, mở đất khởi nghiệp bắt đầu từ mảnh đất Phú Cường đến xã Quần Anh ngày
nay là xã Hải Trung.
Đó là kết tinh cao độ trí tuệ, mồ hôi
công sức và cả máu xương của các thế hệ người Hải Trung. Đó còn là một quá
trình lịch sử từ không đến có từ nhỏ đến lớn từ hoang vu sơ khai lạc hậu đến
văn minh hiện đại. Khoảng những năm 1440 vua Lê Thánh Tông ban hành các chính
sách khuyến nông. Cụ Trần Quốc Hiến đi tìm thế đất mới. Trong vùng Sơn Nam khi
đến bờ biển phía Nam Lạch Lác, cụ tìm thấy bãi bồi, với tầm nhìn xa rộng, cụ
khẳng định: đây là một vùng đất tốt, có hình thể rộng bằng, bãi bồi màu mỡ có
thể xây cơ nghiệp muôn đời. Cụ bèn tâu xin Vua Lê cho trưng khẩn, mở mang. Lúc
bấy giờ bãi bồi Lạch Lác còn là một vụ hoang vu, cỏ cây rậm rạp, lau lác, sú
vẹt um tùm, cụ phải quay về Nhượng Đông mộ người xuống đây trưng khẩn, công
việc bước đầu đang được tiến hành thì cụ qua đời. Kế tục sự nghiệp của cha, cụ
Trần Vu, tên tự là Phúc Đức bắt tay vào sự nghiệp trưng khẩn. Trước việc lớn,
khó khăn, phải có sự đồng tâm, hiệp lực của nhiều người, cụ Trần Vu kết nghĩa
với các cụ Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập đưa quyến thuộc đến đắp đê, ngăn ruộng,
vượt thổ, lập ấp. Buổi ban đầu các cụ trú chân ở khu đất Xối Nước (nay thuộc xã
Cát Thành, huyện Trực Ninh), ngày ngày qua đò sông Lác cập bến để khai phá mở
mang đất mới. Vùng đất này các cụ đặt tên là xóm Phú Cường (nay là phía Nam
liền Âu Múc cũ, thuộc xóm 6 xã Hải Trung). Để nói lên mục tiêu phấn đấu trở
thanh giàu – mạnh cho đời đời con cháu về sau. Khu đất này có nhiều cồn đống
được các tổ đặt tên là Cồn Ấp, Sông Lác, nước chảy mạnh đổi tên là Sông Cường
Giang (nay là sông Ninh Cơ).
Khi đã định cư công việc đầu tiên của
các tổ là tổ chức đắp đê để định hình ruộng đất, khoanh vùng ngăn nước mặn tràn
vào, nhờ có những con đê ban đầu đồng đất lấn biển trở thành bền vững, dần hình
thành một vùng đất rộng lớn, cư dân sinh sống đông đúc thu hút dòng họ nối tiếp
tứ tính là cửu tộc: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ và Trần, Vũ khác cùng về
mở đất. Sau một thời gian Cồn ấp được đổi tên thành Quần Cường Ấp.
Quần Cường Ấp ngày càng rộng, người
các nơi đến ở ngày một đông. Quần Cường ấp đủ điều kiện thành lập xã các tổ lập
sổ đinh sổ điền và dâng sớ tâu vua xin lập xã đổi thành Âp Quần Anh năm 1511
niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 vua Lê Trương Dực phê chuẩn. Thế là trải qua hơn một
thế kỷ bền sâu tạo lập từ bãi bồi hoang vu đã thành danh hiệu xã Quần Anh cội
nguồn xã Hải Trung ngày nay.
Trải qua hơn năm thế kỷ dựng nghiệp
các thủy tổ đã hun đúc nên tinh thần “ tứ tính cửu tộc” với nét đẹp văn hóa đặc
sắc triều đình nhà Nguyễn ban tặng mảnh đất con người Hải Trung biển này “Mỹ
tục khả phong” tiếp nối truyền thống thủy tổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta từ
tháng 6/1946 Hải Trung đã có chi bộ Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ quân dân Hải Trung cùng với cả nước lập nên nhiều chiến
công vang dội được nhà nước phong tặng xã Hải Trung danh hiệu “Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 35 Mẹ
Việt Nam anh hùng, 2 anh hùng lực lượng vũ trang.
Bước vào thời kỳ đổi mới, cán bộ đảng
viên và nhân dân toàn xã nêu cao tinh thần cách mạng, nỗ lực phấn đấu vượt qua
khó khăn vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng
năm đạt từ 9-11%, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Xã Hải Trung vinh
dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 2, hạng 3 thời kỳ đổi
mới. Năm 2014 xã đạt chuẩn nông thôn mới cấp Quốc gia và liên tục nhiều
năm giữ vững Đảng bộ trong sạch, vững
mạnh, chính quyền vững mạnh, các đoàn thể tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, cả 3
cấp học đều đạt chuẩn quốc gia, 2 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ II, trạm y
tế xã đạt chuẩn.
Lịch sử hình thành và phát triển mảnh
đất, con người Hải Trung là thành quả đấu tranh kiên cường mở đất và giữ đất,
là khí phách con người mãnh liệt hơn cả bão to, sóng lớn nên biển phải lùi xa
để lại cho con người ruộng lúa mênh mông, vườn cây sum suê, tươi tốt. Đó là sự
đồng kham cộng khổ, sự cố kết cộng đồng, tính cần cù sáng tạo và nhẫn lại. Đó
là những truyền thống đoàn kết kết tinh trí tuệ mồ hôi và cả máu của các thế hệ
người Hải Trung để khai phá xây dựng và bảo vệ mảng đất này. Ngày nay người Hải
Trung dù ở quê hương hay mọi miền của Tổ quốc đều nguyện kế thừa, phát huy
trong xu thể hội nhập quốc tế, xây dựng mảnh đất, con người nơi đây ngày thêm
giàu mạnh, văn minh./.